[cokhithongphat.com]-Cơ khí khó tiếp cận ưu đãi

Một cơ chế ưu đãi mới về vốn, tín dụng đầu tư, thuế phí và chính sách kích cầu cho DN ngành cơ khí thay thế Quyết định 10/2009/QĐ-TTg đang được Bộ Công Thương tích cực soạn thảo, trình Chính phủ trong thời gian tới. Nhưng các DN ngành cơ khí cho rằng từ chính sách đến thực tiễn đang có khoảng cách rất lớn, trong 5 năm qua DN gặp khó vì không thể tiếp cận các chính sách ưu đãi từ Quyết định 10.

Chỉ để cỗ vũ tinh thần?

Các DN tham gia hội thảo tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) tổ chức mới đây tại Hà Nội đều cho rằng các chính sách ưu đãi của Chính phủ chưa đến được với DN cơ khí trong thời gian qua. Đây là một rào cản với sự phát triển của ngành.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết từ khi có Quyết định 10 đến nay, ban chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã chấp thuận cho 11 dự án cơ khí được hưởng chính sách ưu đãi về vốn, với tổng số vốn đầu tư khoảng 9.978 tỷ đồng, nhưng chỉ có 3 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) ký hợp đồng cấp tín dụng ưu đãi với số vốn chỉ... 374 tỷ đồng. Hơn nữa, suốt 5 năm qua số vốn giải ngân cho các dự án cơ khí trọng điểm mới được hơn 60 tỷ đồng.

Là một DN đi đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô, ông Nguyễn Văn Huyên, Tổng giám đốc Công ty cơ khí Xuân Kiên (Vinaxuki), cho biết từ năm 2009, dự án sản xuất phụ tùng, linh kiện, thiết bị ô tô của công ty được Thủ tướng chấp thuận cho vay ưu đãi 250 tỷ đồng từ VDB, nhưng từ đó đến nay, dù Văn phòng Chính phủ đã 7 lần có công văn “nhắc lại” ý kiến của Thủ tướng, nhưng đến nay công ty vẫn chưa được vay vốn.

Hiện Vinaxuki đã có 3 tổ hợp làm khung xe tải, 3 tổ hợp làm khung xe con, có cả xưởng đúc, luyện kim, làm được thân, vỏ xe... nhưng dù DN phải đi vay vốn thương mại để đầu tư sản xuất cũng không được cấp bù lãi suất theo Quyết định 10. "Làm nội địa hóa 3 năm rồi, ngân hàng cắt không cho vay đồng vốn nào. Tôi nay đã mất hết niềm tin” - ông Huyên nói và bỏ hội thảo ra về.

Nói về những bất cập trong ưu đãi ngành cơ khí, ông Phan Tử Giang, Giám đốc CTCP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyart), nhận định việc ban hành Quyết định 10 vào năm 2009 chứng tỏ Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến ngành cơ khí nhiều hơn những năm trước.

Tuy nhiên, quyết định này dường như mang tính "cổ vũ tinh thần" hơn là hỗ trợ trên thực tế. PV Shipyart đã chế tạo được giàn khoan dầu khí loại 90m nước và đang chế tạo giàn khoan loại 130m nước, thuộc danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu đãi đầu tư, nhưng từ năm 2009 đến nay PV Shipyart chưa vay được một đồng vốn nào từ quỹ này.

"Chúng tôi đã đầu tư vào dự án hạ tầng để chế tạo giàn khoan khoảng 4.500 tỷ đồng, chế tạo được giàn khoan 90m nước trị giá khoảng 200 triệu USD, nhưng sau 16 tháng làm thủ tục vay VDB lại “lắc đầu” không cho vay. Họ cho rằng, họ chỉ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, có nghĩa là DN phải tự bỏ tiền ra đầu tư rồi mới được hỗ trợ lãi suất. Vì thế, để làm giàn khoan đầu tiên (90m nước), chúng tôi buộc phải vay thương mại 800 tỷ đồng, với lãi suất tới 21%/năm tại thời điểm năm 2010" - ông Giang nói.

Phải đưa vào thực tiễn

Đầu tư cho công nghiệp cơ khí là đầu tư nền tảng cho các ngành công nghiệp khác phát triển, nhưng đầu tư cho công nghiệp cơ khí đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... đều có những chính sách bảo hộ, ưu đãi riêng để phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.

Ông Ryu Hang Ha, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina), cho biết tại các cảng biển của Nhật Bản, tất cả các cẩu trục đều là hàng “made in Japan”, không có bất kỳ một chiếc cẩu trục nước ngoài nào bán được vào Nhật Bản. Dù giá một chiếc cẩu trục tại Nhật Bản đắt gấp 150 lần một chiếc cẩu trục tương đương bên ngoài.

Theo ông Ha, một chính sách bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp rất cần cho sự phát triển của ngành cơ khí, đặc biệt với ngành cơ khí còn non trẻ như Việt Nam. Với các sản phẩm cơ khí Việt Nam đã làm được, nên tổ chức đấu thầu trong nước, trường hợp không làm được mới tổ chức đấu thầu quốc tế. Vì khi đấu thầu quốc tế để mua sắm các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, các DN Việt Nam sẽ bất lợi. Một thí dụ khác tại Malaysia, họ quy định tất cả các cuộc đấu thầu quốc tế đều phải sử dụng bằng đơn vị tiền tệ của Malaysia, điều này có lợi cho các DN bản địa.

Cơ khí là nền tảng của cả nền công nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Vấn đề khó khăn nhất của các DN cơ khí Việt Nam trong những năm qua là thiếu đầu ra cho sản phẩm. Năm 2013, sản phẩm cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu thị trường nội địa, vì vậy rất cần một hàng rào kỹ thuật hợp lý để bảo hộ ngành cơ khí trong nước, để các DN từng bước chiếm lĩnh thị trường và vươn lên.

Bên cạnh đó, hiện chính sách hỗ trợ tín dụng xuất khẩu với ngành cơ khí hiện nay chưa đủ mạnh, trong khi PV Shipyart rất khó khăn trong tiếp cận tín dụng ưu đãi những năm qua, thì tại Trung Quốc, Ấn Độ, các DN đóng giàn khoan xuất khẩu được hỗ trợ vốn trong suốt thời gian thi công, lắp đặt giàn khoan, có khi lên tới 85-90% giá trị đóng giàn khoan. 

Liên hệ tư vấn

Đến với Cơ Khí Thông Phát thông qua website: cokhithongphat.com Quý khách sẽ được cung cấp những dịch vụ hậu mãi, chất lượng và giá thành hợp lý. Các sản phẩm của cokhithongphat.com được sản xuất trên dây chuyền máy móc hiện đại, có độ chính xác và đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ cho mỗi sản phẩm.

Thông tin liên hệ cokhithongphat.com

CÔNG TY TNHH CƠ KHÍ THÔNG PHÁT

  • Địa chỉ: Số 416/3, Khu phố Thạnh Bình, Phường An Thạnh, TX Dĩ An, Bình Dương
  • Hotline: 0933 27 30 80 - 0909 077 254
  • Website: cokhithongphat.com

Tin tức & sự kiện liên quan